Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Những ngày này

3:26 chiều thứ năm ngày 22 tháng 7 năm 2010

Kiểu viết thứ ngày tháng năm ấy là từ hồi cấp một, cấp hai cũng chả viết thế nữa thì phải, chắc được hết lớp sáu là cùng.

...

Sau gần 22 năm chung sống, đã khá chắc chắn M là một người ‘khẩu xà tâm phật’. Nhưng nếu lời nói có thể làm cho người khác tức giận, khó chịu thì liệu ‘tâm’ ấy có còn bao phần ‘phật’ khi ‘khẩu’ ấy cứ ‘xà’? Và ‘tâm’ ấy ‘phật’ đến đâu khi ‘khẩu’ ấy cứ ‘xà’? Nếu ‘tâm’ thật sự ‘phật’ thì những lời nói ra cũng phải ‘phật’ chứ, như quả cà chua đỏ vỏ và đỏ cả lòng vậy. Còn cái mồm nói to, nói nhiều, nói ác rồi bảo tâm tôi chả thế, tôi chả hành động gì ác cả thì có phải là quả dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng không? Có phải là nói dối lòng mình? Như thế có phải là tội lỗi ‘hồn nhiên’? Có phải là ‘vô tội’? 

Lời nói ra cũng là một dạng hành động, hành động bằng ngôn từ, có âm thanh, và âm thanh ấy đến tai và não của những người nghe được và hiểu được – như thế thì lời nói ấy có tác động đến người nghe để người nghe phản ứng hoặc không phản ứng (cũng là một kiểu phản ứng) với người nói. Như vậy thì, M, với ‘khẩu xà’ suốt bao năm đã làm ‘tâm’ và hành động – dù chỉ chỉ là lời nói, không ‘phật’, không tốt nữa rồi.

M đã cứ như thế gần năm mươi năm rồi, tất cả những thói quen đã bám chặt vào tâm thức nên suy nghĩ, phản xạ, lời nói, hành động, cách sống của M đã thành những thói quen có rễ mà mình không thể ngày một ngày hai mà kéo những cái rễ ấy ra khỏi tâm thức của M nữa. 

Nhờ đến sách, tạp chí giúp M mở rộng cái nhìn ra khỏi mấy bức tường. Sách chỉ đọc được vài trang M đã ngủ mất vì cả ngày, mỗi ngày, hàng ngày ‘khổ quen rồi sướng không chịu được’ tự bắt bản thân lao động khổ sai với việc làm sạch bát, đĩa, nhà, cửa, cầu thang, quần, áo, bản thân - bất kì cái gì có thể cọ rửa được – đế dép, cánh cửa ra vào, cầu thang lên trần, trạn bát, bồn cầu, lọ nước rửa bát, điện thoại.

M khó tính và cầu toàn nên lại không dễ mua một cái gì đấy cho vui.

M lại lo xa và không sống cho hiện tại nên không mua những cái để giải trí hay đi đâu làm gì giải trí mà tiết kiệm tiền cho những lúc không vui có-thể-sẽ-xảy-ra: ốm, đau, bệnh, tật.

Oh là la.

M cứ sống mãi chỉ ở quanh trong nhà, rồi ra đến đầu ngõ, ngoài chợ là xa nhất. Chị Dậu đến cuối chuyện còn chạy ra khỏi ngõ, dù cái ngõ đấy Ngô Tất Tố viết là ‘tăm tối như cái tiền đồ của chị’ nhưng biết đâu chạy thêm tí nữa sẽ có ánh sáng, có lối thoát thì sao. Mình bảo M là chị Dậu của thế kỉ trước còn chạy xa, đi xa hơn M để thay đổi.

Hôm nhạc Đại Lâm Linh rủ từ trước rồi mà M không đi vì ở nhà để tắm gội giặt giũ rồi sau đấy lại chịp, biết thế hôm đấy làm sớm để đi, tức là vẫn phải làm rồi mới đi. Nếu giục và rủ tha thiết và mạnh mẽ hơn và chỉ đạo giờ giấc sát sao thì chắc M cũng đã đi được, nhưng mình không ở nhà và bám theo M trước buổi nhạc mấy tiếng để thúc giục thế được...

Lâm Linh hát, hét, biểu diễn giống M lúc khóc, gào, thét. Mình thấy trân trọng lao động nghệ thuật của Đại Lâm Linh vì họ dám làm và dám thể hiện những âm thanh, cảm xúc, thái độ, câu chuyện mà nhiều người Việt, kể cả những người Việt trẻ cho là ‘điên’, ‘thần kinh’ (comment trên zing mp3). Trân trọng vì họ dám thể hiện và không a dua làm những cái số đông cổ vũ hoặc sẽ cổ vũ. Bởi vì ở đây cứ cái gì không theo đa số là ‘điên’.

Ở đây bình thường là đi học hết các lớp, để có khả năng thì thi đại học, rồi học đại học để kiếm một việc làm, rồi lấy chồng lấy vợ và phải đẻ được con, rồi làm và tiết kiệm tiền để mua xe, mua đất, xây nhà, phòng lúc ốm đau và để nuôi những đứa con - đi học, thi đại học, đi làm, lấy vợ chồng đẻ con đi làm tiết kiệm tiền xây nhà mua xe phòng lúc ốm đau, nuôi con - đi học thi đại học đi làm lấy vợ chồng đẻ con đi làm tiết kiệm tiền xây nhà mua xe phòng lúc ốm đau. Mới lặp lại ba lần mà khó chịu rồi đấy không đánh tiếp được nữa. Thế mà ở đây họ cứ sống như thế từ năm nay qua năm khác từ đời này qua đời khác.

Như thế là bình thường hay điên khi mọi người lôi kéo, xô đẩy, lôi cuốn nhau vào cái vòng sống đấy? Như thế là bình thường hay điên khi mọi người sống và làm việc vì cái bằng, cái việc, cái tiền, cái con, cái lo xa, cái xe, cái nhà, cái địa vị, cái danh tiếng, cái tiền? Họ mải miết chép bài, học thuộc lòng, thi qua lớp, ôn thi, đi làm, kiếm tiền, kiếm vợ, kiếm chồng, đẻ con, kiếm tiền, đi làm, tiết kiệm, kiếm tiền mà chả biết mình là ai, mình như thế nào, mình muốn gì, mình đã đang và sẽ làm những gì? 

Như thế có điên không? Họ nghĩ gì? Nghe gì? Nói gì? Ăn gì? Uống gì? Làm gì? Chơi gì? Họ có cảm nhận gì không khi nghe, nói, ăn , uống, làm, chơi những thứ mà họ nghe, nói, ăn, uống, làm, chơi? Họ có hiểu họ đang nghe, nói, ăn, uống, làm, chơi gì và như thế nào? Lí trí, cảm xúc, tâm tư, tình cảm của họ được đối xử như thế nào và họ phản ứng, đối xử với tâm tư, tình cảm, lí trí, cảm xúc của người khác – người lạ, người quen, người thân, người họ yêu quý - như thế nào?

Bời vì số đông, xã hội như thế nên họ cũng như thế. Bới vì xã hội, số đông như thế nên như thế được cho là đúng. Bới vì xã hội, số đông như thế nên không như thế là sai, là không bình thường, là điên. Một xã hội adua, những con người adua. Có thể lắm một con robot với một lập trình thú vị sẽ còn có cá tính riêng hơn một con người adua nhạt nhòa vào với đám đông với tiền bạc, di động, xe, bằng, váy, áo, giầy dép, son phấn, áo độn, phẫu thuật thẩm mĩ, nước hoa, địa vị, một công việc để họ hàng ngày có cái than phiền và mong chờ đến cuối tuần? 

Không có những thứ ấy họ sẽ sống thế nào, là ai, cảm thấy ra sao? Tại sao họ đang làm những cái họ đang làm, đang khoác lên người và bôi lên mặt những thứ họ đang mặc trên người và đeo trên mặt? Họ đang sống vì cái gì, cho ai, vì ai? 

Họ nghĩ gì? Họ cảm thấy gì? Họ muốn gì? Họ có đang làm cái họ muốn? Họ có đang sống cách họ muốn? Họ có đang thấy vui? Hay thấy tù túng? Thấy lệ thuộc? Thấy nhàm chán? Thấy mệt mỏi? Thấy vô phương hướng? Họ có hiểu những thứ họ đang dùng, những cái họ đang nói, những việc họ đang làm, những con người họ đi với, chơi với, ở với – những người họ thân, quý, dùng, yêu, ghét – họ có hiểu tại sao và như thế nào – họ có thấy thật sự yêu, ghét, quý, hiểu? Họ có hiểu chính họ? 

Như thế là bình thường hay điên khi mọi người lôi kéo, xô đẩy, lôi cuốn nhau vào cái vòng sống đấy? Như thế là bình thường hay điên khi mọi người sống và làm việc vì cái bằng, cái việc, cái tiền, cái con, cái lo xa, cái xe, cái nhà, cái địa vị, cái danh tiếng, cái tiền? 

Họ mải miết chép bài, học thuộc lòng, thi qua lớp, ôn thi, đi làm, kiếm tiền, kiếm vợ, kiếm chồng, đẻ con, kiếm tiền, đi làm, tiết kiệm, kiếm tiền mà chả biết mình là ai, mình như thế nào, mình muốn gì, mình đã đang và sẽ làm những gì. Như thế có điên không? Họ nghĩ gì? Nghe gì? Nói gì? Ăn gì? Uống gì? Làm gì? Chơi gì? 

Họ có cảm nhận gì không khi nghe, nói, ăn , uống, làm, chơi? Họ có hiểu họ đang nghe, nói, ăn, uống, làm, chơi gì và như thế nào? Lí trí, cảm xúc, tâm tư, tình cảm của họ được đối xử như thế nào và họ phản ứng, đối xử với tâm tư, tình cảm, lí trí, cảm xúc của người khác – người lạ, người quen, người thân, người họ yêu quý - như thế nào? 

Hãy dừng lại để nhìn lại, nghĩ lại và cảm nhận lại đi. Hãy sống chậm lại đi họ ơi. Hãy thử vứt hết những vỏ bọc, vật chất, quy tắc, lối mòn và chỉ có mình trần trụi với chính mình xem mình là ai, mình như thế nào và mình muốn gì đi. 

Hãy đi bộ với cuộc sống và viết thư tay đi. Hãy lắng nghe, ngắm nhìn, cảm nhận và yêu thương với một sự hiểu biết thật sự nhờ lắng nghe, ngắm nhìn, cảm nhận và yêu thương thật chậm rãi, chắc chắn, trần trụi và chân thành đi. 

Bởi vì cuộc sống thật sự đẹp hơn những cái rồ ga nhấn còi inh ỏi tranh nhau đi ngoài đường, đẹp hơn sự ghen tị cạnh tranh tham lam muốn sở hữu từ vật chất đến danh tiếng. 

Cuộc sống đẹp khi mình thở và biết từng hơi thở của mình, nói chuyện để hiểu chứ không phải để lấy thông tin vì tò mò, học để làm được những thứ mình đam mê và yêu những người mình muốn lắng nghe, chia sẻ những thứ nhỏ nhất và lắng nghe, chia sẻ với mình những thứ nhỏ nhất.



Hanoi Eclipse: The Music of Dai Lam Linh (Directed by Barley Norton)

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Chuyện phiếm tối Chủ Nhật

Cuối cùng hôm mùng 5 Tết cũng đưa mẹ đi xem bói ở Hàng Quạt. Lý luận phản đối mãi mẹ chả nghe với lại cũng tò mò đi xem ở chỗ nổi tiếng một lần xem thế nào. Hoá ra Hàng Quạt cắt ngang ngay bên tay phải của Lương Văn Can đối diện Jazz Club. Bây giờ mới biết Hàng Quạt bán đồ cúng lễ, chướng đỏ đám ma vân vân. Nghĩ thầm xem bói ở phố này hợp lý phết. Đến ngõ nhà bác đấy nhìn từ ngoài vào đã thấy một bàn thờ cao cao đèn đỏ khói nhang. Lúc đấy nghĩ ngay đến cảnh đền của bà xem bói Phương Thanh đóng trong ‘Nụ hôn thần chết’. Nói chung từ trước đến giờ mình chả tin mấy cái bói toán, thái độ lúc nào cũng tưng tửng dù đôi lúc thấy một số cái đặc trưng của tuổi này tuổi kia có vẻ đúng, mấy cái cung này cung kia nữa – nhưng dù sao thì đấy cũng chỉ là một số trường hợp thôi mà, với lại nhiều người tin mấy cái đấy rồi tự ám vào người vào đầu rồi sống theo như thế bảo sao chả giống. Tóm lại thì thuyết phục mình tin mấy cái này cũng khó như thuyết phục mẹ không tin vậy. Nếu như mình không tin mới 20 năm thì mẹ đã tin được gần 50 năm rồi cơ mà.

Nhưng bao giờ cũng thế, không phải cứ tin, cứ muốn, cứ thích là được bởi vì hoàn cảnh mới là cái điều khiển con người giỏi hơn cả con người điều khiển chính mình, thế mới có câu ‘hoàn cảnh xô đẩy’. Nói là tin mấy cái bói toán tử vi thế thôi nhưng mẹ thật ra cũng rất duy tâm và thực tế; vẫn hay nói là ‘phú quý sinh lễ nghĩa’ khi mấy nhà hàng xóm mỗi ngày rằm hoá vàng rất nhiều - đồ để đốt chất cao như núi, lửa cao ngùn ngụt, tàn nhang bay lên tận tầng 3 nhảy múa trong phòng mình. Bởi vì hoàn cảnh không cho mẹ có đủ tiền bạc và thời gian để đầu óc cho dù có phần muốn và tin, để xem bói thường xuyên – số lần xem từ xưa đến giờ chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thỉnh thoảng mẹ xem bài tây của một bác đánh phấn son dầy cộp hay đi bộ ở khu nhà mình. Mẹ cũng chả đi lễ chùa này chùa khác khắp nơi bao giờ. Hồi mình học lớp một mẹ đi chùa Hương một lần. Còn đâu mấy năm gần đây Tết thì hai mẹ con sang chùa Vua ở ngay đối diện nhà.

Hôm qua sang chùa với mẹ từ chiều lúc trời còn sáng, hội cờ người vừa tan nhưng cờ bàn vẫn còn tấp nập. Tết năm nào chùa cũng thi đấu cờ người lẫn cờ bàn rất chuyên nghiệp nên quanh năm suốt tháng nhiều anh, chú với bác ở khu nhà mình chơi cờ tướng với nhau từ sáng đến chiều ở các hàng nước. Hàng nước cạnh hàng phở nhà bác Hà lúc nào cũng có ít nhất một bàn cờ, hai người chụm đầu vào đánh và một vài người xung quanh ngồi xem. Thi thoảng mọi người cũng chơi ở hàng nước nhà ông Đồng Liên nữa. Mọi người vẫn hay gọi ông là ‘cô đồng’ nhưng mẹ vẫn hay gọi là ‘ông đồng Liên’ nên mình cũng quen mồm. Năm nay sang chùa mình không cầu xin một điều gì cụ thể như hồi mấy năm trước cả, chỉ xin ba điều cho mình, bạn bè và họ hàng: sức khoẻ, tâm bình an và lao động chăm chỉ để có niềm vui mỗi ngày. Chính xác như thế luôn đấy. Nhớ Tết hồi lớp 9 hình như là lần đầu tiên sang chùa với mẹ mình còn cầu xin các thứ cho đứa mình thích hồi đấy chứ, hồn nhiên thật.


Đọc và hiểu thêm về đạo phật hiện đại (‘Giận’, ‘Quyền lực đích thực’, ‘Thả một bè lau – truyện Kiều dưới cái nhìn Thiền quán’ của Thích Nhật Hạnh, rồi một ít của Ayya Khema, Osho,…) giúp tâm tư, tình cảm và tư tưởng vững vàng hơn nhiều. Đạo phật hiện đại kết hợp với tâm lý học thật sự khiến mình thấy rất chặt chẽ, khoa học và vì thế rất thuyết phục và đúng đắn. Đọc để biết không phải cứ ở chùa mới có thể tu và nên tu. Nhưng ngẫm nghĩ ra thì tu ở ngoài mới khó vì có nhiều cám dỗ chứ ở chùa có quá nhiều ‘điều kiện’ để không nóng tính, để tĩnh tâm, để làm việc thiện vân vân.

Ở chùa có nhiều cây xanh và được thở không khí trong lành nên tâm thanh thản hơn - Ở ngoài toàn khói bụi tắc đường còi kêu inh ỏi, hay trong công sở với cửa hàng thì toàn điều hoà chứa đầy cúm gà, cúm người ba chấm. Ở chùa các sư đã tu lâu hay những người mới tu thì cũng đều hướng thiện - Ở ngoài người ta còn ganh ghét đố kị lừa lọc dối trá làm hại nhau. Chúa dậy khi ai tát con má bên phải hay trái thì đưa má còn lại cho người ta tát nốt, nhưng được thế nếu không tu lâu ngày chắc cũng phải bị…phong châm kim không thấy đau vì bình thường không tát lại chắc cũng phải chửi thề…sau lưng nếu đứa tát mình là đầu gấu.

Ở chùa tự trồng rau quả thiên nhiên và để phát triển tự nhiên chứ không như ở ngoài bón phân tăng trưởng ăn xong bệnh tật đầy mình. Ở chùa ăn chay chứ không ăn thịt nhiều như ở ngoài để mà bị Gout. Đọc đạo phật để biết miếng ăn cũng ảnh hưởng đến tâm tính người ta. Ăn rau quả mát mẻ tính khí cũng dễ chịu lành lặn, ăn thịt bò điên hay quả trứng của con gà công nghiệp bị nhốt trong khung sắt bé xíu cũng dễ làm người ta nóng nầy và điên theo. Không chỉ thức ăn, mỗi một lựa chọn của con người trong cuộc sống đều có ảnh hưởng lành và không lành đến tâm tính và hành động, lối sống của con người đấy: phim ảnh, từ ngữ, truyện, nhạc vân vân.

Ví dụ như bị nghe nhạc vàng (của Tet-su và hàng xóm) mình thấy nẫu hết cả ruột chả làm được gì. Thế nên hồi xưa chiến tranh người ta cấm nhạc uỷ mị cũng đúng nhỉ. Mình mà làm bộ đội nghe nhạc vàng xong chắc chạy ra ôm địch mà mếu mất. Mà đạo Phật đề cao tình thương yêu, yêu một cách có hiểu biết với thứ và với người mình yêu chứ không phải là một cảm xúc nhất thời đến rồi đi. Bảo là cố để hiểu rồi thương yêu địch nghe sao mà khó bởi thế nên đến giờ vẫn còn chiến tranh vì những người chỉ đạo mấy cuộc chiến tranh còn đang bận nghĩ đến quyền lực, tiền bạc và để những cái đấy điều khiển họ. Giống như người nghiện bị điều khiển bởi ma tuý, rượu bia, gái gú/ trai mú, cờ bạc, game online, thức ăn, vân vân. Chắc ai cũng nghiện một cái gì đấy và để cái đấy điều khiển mình. Kể cả ‘nghiện’ một cái tốt đi chăng nữa có lẽ cũng nên cố cân bằng và để tâm đến sức khoẻ thể xác, tinh thần rồi người thân của mình nữa…

Rồi ở ngoài bây giờ máy móc nhiều quá nên con người lười biếng. Hiện đại quá nên hại điện và hại người. Nhưng bây giờ ai chả dùng di động máy tính nhỉ, sư trẻ chắc cũng thế. Dù sao vấn đề là dùng như một phương tiện khác với bị lệ thuộc vào nó đến mức một ngày không có mạng hay máy tính, di dộng là rồ lên. Thỉnh thoảng viết thư tay cho nhau hay đấy chứ. (Ở Blue Angel chỗ Trần Quốc Toản có giấy viết thư xinh cực, mười nghìn một túi có cả phong bì.) Mà nhìn chung thì vì xa quá không thể gặp nhau mới phải dùng mạng với điện thoại chứ ‘trăm nghe không bằng một thấy’ mà, yêu quý nhau thì gặp nhau đi chơi nói chuyện đi cho nó lành. Bỏ Facebook, Yahoo Messenger đi thấy sống thật sự được nhiều hơn. Hà Nội quá đẹp và thú vị để ngồi máy tính quá nhiều. Mà ở đâu cũng sẽ có những ngóc ngách và con người hay ho để sống offline nhiều hơn chứ. Cần liên lạc thì đã có điện thoại với email mà. Yahoo 360 tuy chập mạch nhưng tình cảm hơn Facebook nhiều, vì nó là blog, là tâm sự. Facebook cứ như một bà già đau khổ với các status than thở, như robot với cái nút ‘like’; nói chung thử không dùng FB và chạy ra công viên, thư viện, nhà sách, trung tâm văn hoá, hàng đĩa, thư viện phim chơi đi, bạn sẽ thích ngay mà!


Một trong những điều mình đã và vẫn đang cần phải học để thấy một trong những sự khác nhau rất lớn giữa quan niệm Á Đông và phương Tây là sự tôn trọng thiểu số. Nói cụ thể ở Việt Nam thuộc về thiểu số tức là sai, lập dị, điên, thần kinh, bệnh hoạn; là bị phản đối, chê, mắng, khinh, xa lánh vân vân. Ở nhiều nước phương Tây người ta tôn trọng cá nhân và sự tự do cũng như là tự do cá nhân hơn nên những trường hợp thiểu số vẫn có được một sự chấp nhận nhất định, có lẽ cũng vì chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây cao hơn nên nói đúng hơn có lẽ đó là cái suy nghĩ mày là mày, tao là tao, tao lo cho tao chưa xong thì hơi đâu đi để ý quan tâm soi mói mày làm gì.

Nên nhìn từ một góc nào đấy người phương Tây lại thấy phương Đông, hay cụ thể là người Việt Nam sống tình cảm hơn. Nhưng rồi cái gì cũng lại có hai mặt của nó, mặt kia của sự quan tâm hay tình cảm của người Việt nhiều khi lại là sự soi mói vô duyên mà chả giúp được gì, rất thiếu tôn trọng cá nhân và riêng tư của người khác mà chả thấy tình nghĩa đâu cả, đơn thuần chỉ là cái sự tò mò cố hữu đã ăn vào máu thịt. Nhiều lúc thấy bực mình. Nhưng xét cho cùng liệu có phải ở đâu cũng thế và nói cho dễ hình dung thì ngay một cá nhân cũng không khác thế. Bởi đơn giản những cái gì thuộc về thói quen có sức mạnh ghê gớm khó thay đổi, đấy là nói về các thói quen về hành động, như tật ấy. Còn về tư tưởng tiếng Anh có một từ là ‘stereotype’, tiếng Việt là ‘đổ đồng’ nhỉ. Hay là ‘prejudice’ – ‘thành kiến’/ ‘định kiến’. Hay là áp đặt…

Hôm trước xem Milk Harvey, xem xong mình càng nghĩ thoáng hơn về chuyện đồng tính, một chủ đề vẫn còn nhạy cảm ở các nước phương Đông và Việt Nam. Harvey nói đồng tính không phải là một lựa chọn mà là họ sinh ra đã như thế, bố mẹ họ thẳng tính (straight) – giới tính bình thường, thầy cô họ thẳng tính, bạn bè xung quanh họ thẳng tính, như vậy không thể nói là họ sẽ lây đồng tính cho người khác được bởi vì họ cũng không lây từ ai cả - vì thế chả có lý gì họ lại không được đối xử công bằng như những người khác cả. Đấy là những lập luận của Harvey vào những năm 70 để tranh quyền tham cử nắm chính quyền ở Mỹ. Có một cái thấy đúng, nói đại loại và nôm na là chưa thử thì đừng có to mồm, kiểu đấy…

Hôm nay vừa xem phim tài liệu ‘Love man, Love woman’ của chị Thi làm về một và một vài thầy đồng, hay vẫn hay gọi là đồng cô, ở Hà Nội. Nhân vật chính trong phim của chị Thi khá đặc biệt, theo phim thì là một thầy đồng nổi tiếng nhất Hà Nội, đã từng là một thầy giáo dạy ở một trường cấp ba và cá nhân mình thì từ đầu phim đã thấy bác này trông rất con trai à đàn ông, chỉ có cái giọng là đúng kiểu lên đồng lên bóng thôi. Rồi đến giữa phim thì bác đấy tâm sự là hồi 15 tuổi bị một ông lạm dụng, lúc đầu thấy sợ rồi sau thấy thích rồi ‘bị lây bệnh’ rồi sau đấy lại ‘lây’ cho những người khác. Rồi khi còn trẻ bác bị bệnh (?) nặng chữa thuốc không khỏi (?) người nhà đưa đi lên đồng thì khỏi (?!?!!). Đến đây thì cảm thấy bác này cả giới tính lẫn nghề nghiệp đều là do ‘hoàn cảnh xô đẩy’, hay cụ thể hơn là do một ông nào đấy và người nhà xô đẩy!? Mọi chuyện đã khác nếu như bản thân bác ý đã mạnh mẽ hơn trước sự dụ dỗ của ông nào đấy và người nhà không chữa bệnh cho bác bằng cách lên đồng lên bóng? Mọi chuyện có thể đã khác nếu bác đã để tâm thật sự để yêu một người phụ nữ nào đấy chứ không phải cứ yêu những người đồng giới như một thói quen; và chỉ lấy một người phụ nữ theo sự gán ghép của gia đình chứ không phải có tìm hiểu làm bạn và có tình yêu thật?

Xem cả phim cứ thấy buồn buồn cho bác này vì cảm thấy từ những lời tâm sự là bác ý không thật sự muốn thế, không kể cái phần vì phải trốn tránh xã hội mà quan trọng hơn là ở chính bác ý, hơn 50 tuổi rồi, mà vẫn không hoàn toàn thoải mái với lựa chọn giới tính của mình. Vì cho dù bác ý nói “tại sao tôi lại muốn ‘chữa’ khi mà tôi vẫn tìm thấy tình yêu, tìm thấy niềm vui” nhưng rồi lại nói “mỗi khi đêm về tôi thấy buồn vì không có bạn”…Nghĩ đi nghĩ lại thì giới tính có lẽ vẫn là một chuyện khó nói, trừ những trường hợp cha sinh mẹ đẻ ra đã có hình thức và nội dung không là một giới, những trường hợp còn lại bao nhiêu phần là do hormone, bao nhiêu phần là do xã hội, cái nào mạnh hơn, liệu có thể dùng cả tác động sinh lý lẫn tâm lý để thay đổi giới tính trong đầu và trong cơ thể của một người? Chưa tìm hiểu đủ sâu về cái này để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi về chủ đề giới tính này nhưng mình nghĩ ít nhất mỗi người nên tự cho mình cái quyền được tự do, ‘tự’ là một mình mình, chính bản thân mình, con người mình tự do trải nghiệm, để rồi tự do lựa chọn, tự do quyết định, trong mọi chuyện.

Bởi vì có lẽ tự thân tự do là con đường đúng đắn nhất giúp mỗi con người đến gần hơn với hạnh phúc của chính mình. Nhưng đồng thời có lẽ cũng cần phải biết trân trọng, yêu quý và nắm giữ lấy hạnh phúc hiện tại của mình chứ đừng ‘đứng núi này trông núi nọ’. Nhưng phải là hiểu và trân trọng thật sự, trân trọng với sự hiểu biết và yêu quý chứ không phải là ‘bằng lòng’; vì ‘bằng lòng’ cứ như là ‘phải bằng lòng’ vậy; nếu còn ‘phải’ cố thì có thể sẽ tìm thấy hạnh phúc ở nơi khác thoải mái hơn cái sự ‘phải bằng lòng’ đấy. Mỗi người chỉ sống có một lần tại sao lại phải nhín nhường, chịu nhịn khổ sở vậy, vì ai và vì gì thế? Tuy nhiên nói thì bao giờ cũng dễ, thực tế nhiều khi khó hơn nhiều bởi thế mới có những người đặc biệt, số ít, nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám thất bại. Còn số đông chúng ta cứ để ‘hoàn cảnh xô đẩy’, không phải vì thất bại, bới những người thành công tự lực, thật sự và xuất chúng còn thất bại nhiều hơn, mà bời vì không dám đứng lên sau thất bại. Viết ra mới dễ làm sao, hãy cố thực hiện em nhé.


Hoá ra bác đấy bói bài Tây. Nói chung thì nhà mình chả có ai tin vào bói toán quá, ai cũng bảo là xem cho vui thôi. Bởi vì bói nói sẽ ‘gặp lành’ mà ‘ở ác’ thì làm sao ‘gặp hiền’ được. Mình rất thích câu ‘Duyên là do trời, còn số là do mình quyết định’. Thiên thời, địa lợi khiến nguời này gặp nguời kia nhưng ‘nhân hoà’ mới là yếu tố quan trọng và mang tính quyết định nhất. Có duyên gặp nhau, có may ở gần nhau nhưng bản tính chả hợp nhau thì cái thiên thời địa lợi đấy chỉ làm cho các ‘nhân’ làm khổ lẫn nhau mà thôi.

Không biết có nhiều người nhầm không nhưng từ bé đến trước khi đọc đạo Phật mình đã vẫn cứ tưởng tất cả những nghi thức lễ nghĩa khác ở Việt Nam mà không phải đạo Chúa đều là đạo Phật hoá ra có những nghi thức chỉ là phát sinh mà có thể gọi là ‘mê tin dị đoan’ mà bản chất chả có tính Phật. Như những gì mình cảm thụ được từ những cái đã đọc thì đạo Phật đề cao nhất là tình thương và sự tự do không để tâm tư, tình cảm hay con người mình làm nô lệ cho bất kì thứ gì hay ai cả. Yêu là phải thấy hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho người mình yêu – cha mẹ, con cái, bạn bè, người yêu, vợ chồng. Yêu là thấy tự do trong sự gắn bó. Thứ tình yêu nào cũng vậy, phải đến từ sự hiểu và biết, để thương và yêu, thật sự.

Mà có lẽ bất cứ một Đạo chính nghĩa nào cũng vậy, muốn dậy người ta sống có tình, có nghĩa và làm việc thiện cho bản thân và chia sẻ, cứu giúp người khác để tâm thanh thản và có hạnh phúc. Bởi vì, hạnh phúc chỉ thật sự khi được chia sẻ. (Happiness is true only when shared - Into the Wild 2007)

Hà Nội, 21.02.2010.


Documentary: Love Man, Love Woman (Vietnamese, subtitle: English) part 4 of 7

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

việt nam – malai và ‘chơi vơi’

Dạy Cún xong qua Sweetie mua trà sữa với bánh để đi xem ‘Chơi vơi’ thì Malai vào, phút tám mấy và còn mấy phút đá bù. Thua thì đau nhỉ. Trước đấy cũng đoán sợ Việt Nam cứ đà này rồi tinh vi với chủ quan là lại thua cho mà xem. Thấy ông trọng tài trông đen đen không biết có phải người Ấn Độ không; mà thấy ở Malai nhiều người Ấn phết, hay ông này thiên vị - nói chung là mấy suy nghĩ vớ vẩn của một người yêu bóng đá vì yêu nước chứ không biết gì về điện (chuyên môn) cả. Hồi hộp hồi hộp…

Đến Hai Bà Trưng gửi xe xong thì còn một hai phút gì đấy, hồi hộp hồi hộp…Hết giờ, Việt Nam thua, mấy anh mấy chú với một chị chán nản văng loạn cả lên nhưng mà nghe rất là vừa tai, lúc đấy tất cả mọi người ở đấy cứ dài thượt hết cả ra, mình cũng thở dài. Một chú chản nản mặt xám xịt đen xì mặc áo da cũng đen xì, văng mấy câu rồi bĩu môi quay lưng lại với ti vi và quay ra cái mâm còn đầy nguyên các loại đồ nhấm với rượu trắng, hình như có tai lợn thái nhỏ với rau sống.
...

Thôi vào xem ‘Chơi vơi’… Ba chấm là cho sự hụt hẫng, xịt ngòi và vân vân cho Việt Nam... Những thứ đã biết trước khi xem ‘Chơi vơi’ là có ‘Dệt tầm gai’ remix (rất hay!) có Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn lừa tình, Như Quỳnh, Duy Khoa, có yếu tố đồng tính và có cái kết lửng rất ‘chơi vơi’ mà chị Yến, trong họp báo xem trên VTV2, bảo là thực ra trong kịch bản, cô Duyên nói với Hải: ‘Anh ơi cho em xuống đi tè’. Xem xong, định vỗ tay mà ‘ơ không ai vỗ tay à’. Buổi chiếu này chắc phải một nửa là người nước ngoài vì chiếu ở Hanoi Cinematheque. Người nước ngoài hay vỗ tay hơn nhưng có thể họ đã vỗ tay những thứ hay hơn nên không vỗ tay cái này? Nán lại một tí để xem nốt chữ chạy với cả ‘Dệt tầm gai’ mà nhạc bị cắt sớm quá. Với cá nhân mình cái được của ‘Chơi vơi’ là xem xong thấy ‘chơi vơi’! Cái cảm giác ‘chơi vơi’ nói thật là một cảm giác rất không thỏa mãn, mà không thỏa mãn tức là có thể làm được tốt hơn, tức là không được thích cho lắm. Nên thấy ‘chơi vơi’ là thấy khó chịu ra phết, nhất là với những người khó tính. Tóm lại thì sau khi xem ‘Chơi vơi’ là muốn nghĩ đến cái kết cho ‘Chơi vơi’ theo cách của riêng mình – phải nói đây cũng là một ‘trò chơi’ nho nhỏ mà khá thích thú với những cái kết lửng lơ, chơi vơi và chạng vạng, à loạng choạng, thế này.

Định google trước xem có ai viết kết kiếc gì chưa nhưng thôi thế lại bị ảnh hưởng. Duy Khoa (vai Hải) trông ngố ngố dã man, đúng là trẻ con lấy vợ. Chả hiểu sao chị Yến (vai Duyên) đóng phim này cho mình cảm giác hơi 'giả nai' trong câu nói và cách nói. Nói chung thì chị Yến này cũng ăn hình xinh đẹp kiểu Bắc Kì, cũng thể hiện được cái sự đơn giản và chưa nhiều kinh nghiệm của một cô gái chưa nhiều kinh nghiệm và đơn giản, lấy chồng kém hai tuổi sau ba tháng biết nhau – Duyên.

Cái vụ em hàng xóm tắm trong bồn nhà Duyên - Hải, bỏ qua câu hỏi là tại sao em ý vào được nhà khi Hải ngố và Duyên đi vắng, thì chắc cũng sẽ không phải vấn đề sau khi Duyên nói chuyện với Hải và biết sự thật (là Hải và em ý chưa làm gì đúng không ạ?). Chỉ là em kia thích cái bồn tắm thôi. Vấn đề là Hải ngố suốt ngày ngủ ‘như một con lợn’, rất ku-te nhưng Duyên đã đủ ‘đàn bà’ để cần một thằng ‘đàn ông’ như Thổ (Johnny lừa tình). Tình cảm (đồng tính?) của chị nhà văn tóc ngắn (Cầm) với Duyên thì thật sự chưa rõ và không đến mức làm cho mình muốn cho Cầm với Duyên sẽ làm gì với nhau, với lại có vẻ Duyên chả có nhu cầu gì với bà này. Nên cứ theo tinh thần và mức độ mà mình cảm nhận được ở phim thì đơn giản thôi, hi vọng sự lừa tình và cái thú tính đàn ông của anh Johnny đủ để chuyển hóa chị tóc ngắn này xong có vài cảnh nóng nóng gì đấy. Tại chủ quan mình vẫn thích và có cảm xúc với sự kết đôi khác giới hơn. (Thật ra đặt tên ông này là Thổ thấy hơi thổ…dân và lúa so với cái vẻ ngoài 'đĩ đĩ' của anh Nguyễn Trí, hoặc cũng có thể Thổ nghe gần gần với 'thổ phỉ' hay dùng để chỉ những người đàn ông không tử tế chăng?)

Cũng muốn nói một tí về cảnh Johnny cắt váy chị Duyên, thật lòng em chưa hiểu làm sao mà anh John mới bóp chân với cắt váy một tí mà chị Duyên run rẩy lẩy bẩy thở ra thở vào kinh khủng đến thế, có vẻ là cơ thể và cảm xúc của chị lên cao trào quá dễ và quá nhanh, khán giả như em lên theo không kịp, thật đấy. Còn nói chung thì không biết phim có bị cắt nhiều không nhưng từ đầu đến cuối rất nhiều đoạn phim làm cho người xem chờ một cảnh nóng thật xảy ra mà cuối cũng không được cảnh nào thật nóng, hay cái cảnh ‘có’ nhất là Johnny đè vật Duyên ra thì thấy giống…cướp đường hơn.

Duyên với Hải ngố thì thật sự là một đôi đũa lệch! Mà yêu nhau với lấy nhau mà lệch thì chả lâu được, có lâu thì cũng lục đục suốt ngày – không lục đục trong cũng lục đục ngoài, mệt lắm. Cho ông ngố với em hàng xóm làm ‘Ngôi nhà hạnh phúc’ phiên bản Việt phần hai? Cái đoạn ông Hải với em này chơi ở bờ lau - bờ sông với lại ông Hải ngố đi chơi cờ bạc với ông gà chọi không hiểu Hải lái xe taxi của hãng gì mà nhàn thế? Đi chơi tung tăng như chim non! Mặt thì búng ra sữa, ngây thơ, 9x, như thật!

Thế thì Duyên đi đâu nhỉ. Thôi Duyên đơn giản mà, hay cho Duyên với Cầm nhường nhau ông Johnny? Mà vì Duyên đơn giản và không rắc rối nên có thể Duyên sẽ nhường Johnny cho Cầm. Hay cho tình cảm của Cầm với Duyên mạnh mẽ và mãnh liệt hơn lên đi, Cầm giật lấy Duyên và ôm chầm rồi hít hà thở hổn hển gì đấy, rồi Duyên có bị rung động theo? Thành một câu chuyện đồng tính. Như thế thì cho lão Thổ kia lăng nhăng với nhiều em linh tinh tiếp, nói chung anh Nguyễn này đóng mấy vai nhạt nhạt (và có mấy đoạn sến sến như trong ‘Nụ hôn thần chết’ với ‘Dòng máu anh hùng’) là rất đạt, và, hợp.

Hoặc Duyên không rung động Cầm, Cầm lại không rung động Thổ, Thổ thì chả yêu ai cả, Hải và em hàng xóm thì đều còn quá ngố để yêu – tất cả mọi người trở về với chính bản thân mình và tự do, mở chỗ cho một cái kết mở khác tươi sáng hơn, và, thế thì lại, không ‘chơi vơi’ mất rồi!

Ở đời này có mấy thứ hay mấy người hoàn hảo mà không chơi vơi, mà hoàn hảo quá lại dễ bị nghi là ‘làm hàng’ hoặc sẽ bị chê ôm đồm hoặc tạp pí lù. Thế thì thôi, hoặc là thuần hài và giải trí – xem để cười; nếu không thì xem xong trong đầu nếu đọng được lại ít nhất là một ý niệm gì đấy đáng nhớ thì sẽ quên được hết những cái tiểu tiết không hay của phim. Ví dụ như cái kết của phim đầu tiên xem có Trí Nguyễn năm 2006 ở TPD, ‘Buổi sáng đầu tiên’ - xem xong đọng lại một phát hiện không mới nhưng rất thú vị: người Tây mừng ngày mọi người ra đời (sinh nhật) còn người Việt mình lại kỉ niệm cái ngày người ta chết đi (ngày dỗ). Hay hôm trước xem ‘Night in the museum 2’ - từng đọc một bài chú Ben Stiller này nói ‘tôi trung thành với thể loại phim hài’ – thế nhưng cái kết của ‘Đêm Kinh Hoàng 2’ cũng làm mình gật gù với câu nói ‘Hạnh phúc là được làm cái mà mình yêu thích’ – rất đơn giản thôi nhưng vấn đề và chân lí nằm ở chính những điều đơn giản nhất như thế. Thử đi hỏi 100 người bất kì ngay bây giờ xem có mấy người đang được làm việc mình thật sự yêu thích? Đơn giản thế thôi mà thực tế lại khá xa sỉ!

Lòng và vòng - lòng vòng - với những suy nghĩ linh tinh như vậy thì tóm lại thấy ‘Chơi vơi’ là một phim, không biết vô tình hay cố ý, được đặt tên rất ‘khôn’ của đạo diễn và biên kịch. Bởi vì xem xong, dù chưa thỏa mãn, nhưng không thể nhận xét như sau khi xem ‘Sống trong sợ hãi’ là chưa thấy ‘sợ hãi’ lắm dù mình rất nhát (Có thể tại em xem màn hình nhỏ và không có hệ thống âm thanh pro ~ anh Phương TPD). Bởi vì xem ‘Chơi vơi’ xong thấy chơi vơi thật! Thấy sóng sánh chơi vơi giống cái chơi vơi sóng sánh của nước lũ Hà ‘Lội’ mùa mưa cuối năm ngoái mà trong phim cũng có vài đoạn quay lai được cảnh dân Hà Nội lụt lội hồi đấy– cũng hay! Mới xem hai phim của chú Chuyên và thấy phim của chú khuôn hình, diễn viên, yếu tố hài, lời thoại, hình ảnh đều đẹp và ok, có thể gật gù, chỉ có mặt nội dung và cái thần của phim thì còn chưa lên đến đỉnh, ‘sợ hãi’ thì chưa đủ ‘sợ hãi’, riêng với ‘Chơi vơi’, thì có thể gọi là thành công theo một cách nào đấy, vì thấy, ‘chơi vơi’?

Hoặc có thể tại em còn trẻ và thiếu kinh nghiệm nên vẫn còn thích gật gù với những cái đọng lại theo kiểu hơi triết lí hay một cốt truyện có cao trào đỉnh điểm kiểu cổ điển sau khi xem ở những phim khác như thế. Nhưng Duyên, theo mạch của phim, cũng dần 'phức tạp' lên thành chơi vơi đến mức chới với đấy chứ.

Và có lẽ ở đời này có nhiều hơn những câu chuyện, cuộc đời, con người và cảm xúc không đầu không kết mà cứ lửng lơ, chửng chơ, lơ mơ, vơ vẩn như thế. Và như thế thì ‘Chơi vơi’ đã thành công trong việc dựng lại được một góc nhìn với những mảnh đời và cảm xúc chơi vơi của Duyên – một cô gái trẻ sống và nghĩ đơn giản nhưng cũng có cái bản năng khá mạnh mẽ của một người đàn bà, của Cầm – một cô nhà văn hơi quái dị thu mình trong cái căn nhà Hà Nội cổ đẹp mê li và cái chăn chùm xông hơi, thu mình và thu chân trước sự mơn trớn của Thổ - một thằng đủ đàn ông về mặt thể xác để khiến một cô đàn bà khác yêu sáu năm rồi chết trôi trên biển, của Hải - vẫn được mẹ vỗ mông gọi là ‘thằng bé’ lấy vợ khi vẫn còn sợ ma và không dám ngủ một mình…Nhạc phim ‘Dệt tầm gai’ được Đại – Lâm – Linh phối lại và hát lại có lẽ không thể hiệu quả hơn, khiến đầu lắc lư và người rung rinh theo những ‘cài thêm năm ừ hư cài nhng ngón tay try xước ca em bng anh hư…’ – rt cá tính, mạnh m, đc đáo mà không th da diết và tình cm hơn
...

Xem phim xong về nhà lên mạng đọc tin có vẻ nhiều người bảo Việt Nam muôn đời chả thắng được là vì ‘chưa muốn thắng’. Hay có người khác nói, cho dễ hiểu, dễ nghe và cũng đúng hơn, là vì tinh thần và ý chí thi đấu của mình còn kém. Trong comment blog anh chồng của một chị nhà văn mạng nói là vì người Việt Nam mình từ bé đi học đến lớn lúc nào cũng phải chịu áp lực, chả bao giờ được tự do nên tinh thần không được thoải mái, các cầu thủ cũng thế, lại còn phải ăn mì gói Omi nữa chứ - một comment khác.

Có lần đọc bài nói học sinh Việt Nam học hành áp lực và chăm chỉ chỉ sau Hàn Quốc – đất nước nổi tiếng với tỉ lệ tự tử cao – kinh thật. Thì đấy, bây giờ trẻ con phải thi vào lớp một, không hiểu tầm chục năm nữa chắc con mình phải thi đầu vào nhà trẻ…Cặp sách thì nặng như cùm, cái gì cũng phải học thuộc để tư duy với ý tưởng mục rũa, học ở trường hai ca xong về lại đi học thêm đêm về thức đến sáng làm bài tập rồi lại đi học – thế nhưng phát minh, công nghệ hay đến ngay gameshow trên truyền hình cái gì cũng vãn phải đi copy của nước ngoài. Thôi cũng mới hết chiến tranh được mấy chục năm mà, thật sự là thế thật. Chưa kể đang chiến tranh biển với các 'bạn' hàng xóm Trung Quốc nữa chứ.

Nghĩ thấy trẻ con bị bắt học giống ăn ‘bánh mì ghi nhớ’ của Đô-rê-mon, lấy cái bánh gối dập vào trang sách rồi ăn vào là nhớ mấy cái đấy trong đầu – để nhớ nhiều thì phải ăn nhiều, mà ăn nhiều kiểu đấy xong đau bụng đi vệ sinh rồi là ra hết – thế là đầu lại rỗng mà bụng cũng rỗng luôn. Thể dục thể thao chả tập luyện mấy nên hoa hậu thì béo mà con trai thì lẻo khoẻo. Nhưng dù gì thì

‘Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người’

Tất nhiên và tự nhiên thôi, em vẫn yêu Việt Nam nhưng cũng tất nhiên và tự nhiên thôi, nếu anh (Việt Nam) mà cao to khỏe mạnh hơn với đạt được huy chương vàng SEAGames môn bóng đá nam thì em sẽ tự hào và yêu anh hơn nữa. Em có tí ý kiến về bóng đá, phim ảnh rồi dáo giục, à giáo dục thế này cũng chỉ là trong nhà đóng cửa bảo nhau để anh sẽ làm tốt hơn lần sau mà thôi. Rồi nghĩ lại em thấy mình cũng giống Việt Nam, vẫn còn 'chơi vơi' và còn 'đang phát triển' lắm...

Hà Nội 18/12/09.

Kí tên,
Trẻ con tập viết.